232 Phạm Xuân Ẩn - Đà Nẵng
0917 796 022
Công ty TNHH giải pháp công nghệ Khoa Duy SmartHome

Thời của tủ lạnh, máy hút bụi thông minh

Thời của tủ lạnh, máy hút bụi thông minh

Thời của tủ lạnh, máy hút bụi thông minh

Các thiết bị trong gia đình từ TV, tủ lạnh, máy giặt đến máy hút bụi… đều được trang bị kết nối Internet, hỗ trợ giao tiếp với smartphone và thông báo tới người dùng từ xa.

“Internet of Things – IoT” (Mọi vật cùng kết nối Internet) là xu hướng nổi lên vài năm gần đây và ngày càng phát triển. Điều này thể hiện qua các sản phẩm xuất hiện tại triển lãm SEA Forum 2017 và các chuyên gia công nghệ dự đoán tới năm 2020 có khoảng 25 tỷ thiết bị IoT với số tiền dự chi là 1.900 tỷ USD.

thoi-cua-tu-lanh-may-hut-bui-thong-minh

“Smart” dần trở thành tính năng phổ thông trên TV.

Smart TV là một trong những thiết bị gia đình được các nhà sản xuất “thông minh hóa” sớm nhất và hiện nay hầu hết các model bán trên thị trường có kết nối Internet hoặc hệ điều hành thông minh. Không chỉ đáp ứng nhu cầu xem trực tuyến, Smart TV còn tích hợp kho ứng dụng, hỗ trợ điều khiển bằng giọng nói.

Với một chiếc TV thông minh, người dùng có thể xem YouTube, Netflix… chơi game, lướt web… mà không cần máy tính, smartphone. Tuy nhiên “hiện đại thường hại điện”, Smart TV khiến người dùng phổ thông khó làm quen, điều khiển với các nút bấm dày đặc. Bởi vậy Samsung, LG, Sony… đều trang bị tính năng ra lệnh bằng giọng nói.

Điều khiển thông minh trên Samsung QLED TV

Điều khiển TV bằng giọng nói, smartphone

Trên loạt TV 2017, Samsung có thêm Smart Remote với khả năng điều khiển hầu hết các thiết bị ngoại vi khác chỉ với một chiếc remote. Chức năng ra lệnh giọng nói hỗ trợ cả những thiết lập phức tạp chứ không đơn tuần là chuyển kênh, thay đổi âm lượng. Song chưa rõ tính năng này có hoạt động tốt với ngôn ngữ tiếng Việt và một số người dùng cho rằng điều khiển truyền thống dễ dùng hơn cho cả gia đình.

thoi-cua-tu-lanh-may-hut-bui-thong-minh-1

Tủ lạnh được nhà sản xuất tích hợp nhiều tính năng thông minh, song không ít trong đó được đánh giá có phần thừa thãi.

Trong xu hướng IoT, tủ lạnh, máy hút bụi cũng được trang bị kết nối Internet. Chiếc tủ lạnh Family Hub 2.0 của Samsung có màn hình cảm ứng 21,5 inch như một chiếc máy tính bảng cỡ lớn, có camera bên trong để quan sát thực phẩm và tự động nhắc nhở người dùng mua bổ sung. 

Family Hub 2.0 mang nhiều tính trình diễn, bởi thế sản phẩm “ôm” nhiều tính năng mà chưa chắc người dùng đã sử dụng hết. Sản phẩm tập trung nâng cấp phần mềm mà không có quá nhiều đột phá so với thế hệ Family Hub 1.0. Ngoài ra, giá được dự đoán ở mức hàng trăm triệu đồng và chưa có thông tin về việc bán tại Việt Nam.

thoi-cua-tu-lanh-may-hut-bui-thong-minh-2

Giá bán cao khiến robot hút bụi khó tiếp cận người dùng.

Sản phẩm thu hút nhiều sự quan tâm nhất trong triển lãm phải kể đến máy hút bụi thông minh. Thiết bị được gọi với tên robot Powerboot VR7000, có khả năng chạy khắp phòng để dọn vệ sinh. Nhờ hệ thống cảm biến, máy tự động tránh vật cản, hút bụi theo vùng và có “chổi” để hút ở sát mép tường. Robot cũng “biết” quay về đế sạc khi sắp hết pin.

Người dùng có thể ra lệnh từ xa cho robot thông qua smartphone. Chỉ cần có kết nối Internet, bạn sẽ lên được lịch dọn nhà, bật tắt thiết bị cũng như kiểm tra lịch trình làm sạch. Tuy nhiên, Powerboot VR7000 hay những sản phẩm tương tự của LG, Xiaomi, iRobot… thích hợp với các ngôi nhà chung cư, giá bán khá cao tới vài chục triệu đồng nên khó phổ biến tới người dùng.

Robot hút bụi thông minh Samsung Powerbot VR7000

Robot hút bụi thông minh, điều khiển qua smartphone

Những lợi ích mà IoT mang lại cho con người là rất lớn, có thể được áp dụng ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Với hộ gia đình, hệ thống có thể tự điều khiển tắt/bật bóng đèn, máy bơm tưới nước cho cây cối, camera theo dõi an ninh, máy giặt tự giặt đồ… Vĩ mô hơn, nó có thể được áp dụng để xây dựng các thành phố thông minh với đèn đường có thể thích ứng với điều kiện thời tiết, đèn giao thông có thể điều tiết dựa trên tình hình giao thông hiện tại, hệ thống thông báo tình trạng ô nhiễm không khí thời gian thực…

Song song với đó, những thiết bị thông minh đòi hỏi người dùng cũng phải thông minh để có khả năng làm chủ. Tháng 10/2016, sự cố với Dyn – công ty quản lý hệ thống tên miền – bằng cách huy động lượng lớn thiết bị thông minh trong đó có webcam, khiến một nửa số trang web có lưu lượng lớn nhất trên Internet bị ngưng trệ, cảnh báo các nguy cơ tiềm ẩn về bảo mật trong IoT.

Năm 2014, hacker đã xâm nhập hơn 100.000 tivi, tủ lạnh, và các thiết bị gia dụng thông minh khác để gửi đi hàng triệu thư rác độc hại. Tin tặc đang có xu hướng chuyển hướng mục tiêu qua các thiết bị thông minh bởi máy tính hay điện thoại đã có các phương thức bảo mật tối đa. Bên cạnh các giới hạn do thiết bị nhỏ gọn, chính sự chủ quan của con người trong việc điều khiển thiết bị IoT cũng khiến nguy cơ bị tấn công tăng cao.


Bảo Anh