Nhà thông minh dần phổ biến trong các gia đình Việt
Tự động hóa, điều khiển các thiết bị trong nhà qua Internet được nhiều người Việt ứng dụng thời gian qua để dần bước chân vào “thế giới thông minh”.
Đức Hoàng (Thanh Xuân, Hà Nội) mới lắp ổ cắm điều khiển bằng smartphone cho bình nước nóng. “Tôi thường đặt lịch để bật bình 15 phút trước khi về nhà hoặc bật từ xa nếu biết có thành viên nào về sớm hơn, rất tiện lợi mà lại an toàn, tiết kiệm điện”, anh chia sẻ.
Trong khi đó anh Quốc Trung (Ba Đình, Hà Nội) dần “thông minh hóa” các thiết bị trong căn hộ. Ban đầu chỉ là chiếc đèn cảm ứng, tự bật khi có người vào bếp, tự tắt khi không có người, giờ anh làm cả hệ thống điều khiển bằng smartphone cho đèn, rèm cửa sổ, quạt… “Dự định tiếp theo của tôi là điều khiển các thiết bị bằng giọng nói”, anh kể.
Giải pháp bật, tắt, lên lịch cho bình nước nóng của một gia đình Việt. Ảnh: Tuấn Hưng. |
Nhà thông minh xuất hiện tại Việt Nam từ hơn 10 năm trước nhưng chỉ trở nên quen thuộc những năm gần đây nhờ sự phát triển của công nghệ, sự thịnh hành của smartphone, cũng như sự tham gia của các nhà sản xuất để đem đến nhiều dòng thiết bị với giá phù hợp. Người dùng có thể lắp đặt một vài thiết bị thông minh rồi dần bổ sung khi cần, triển khai trên chính hệ thống hiện có của ngôi nhà thông qua kết nối không dây chứ không nhất thiết phải làm lại đường điện.
Một ổ cắm điều khiển bằng smartphone có giá từ hơn 100.000 đồng, mặt điện cảm ứng, tắt mở qua Wi-Fi thay cho công tắc thông thường giá khoảng 300.000 đồng. Hay bộ gồm cảm biến chống trộm, ổ cắm thông minh và bộ điều khiển trung tâm có thể mua với giá một triệu đồng. Từ những thiết bị này, người dùng có thể điều khiển từ xa nhiều thiết bị trong nhà, lên lịch bật tắt hay lập lệnh tự động theo ngữ cảnh phù hợp.
Những thiết bị đơn lẻ, giá từ vài trăm nghìn đồng là cánh cửa để người dùng Việt bước chân vào thế giới nhà thông minh. Với những gia đình điều kiện, giải pháp thông minh sẽ toàn diện từ camera an ninh giám sát, chuông cửa có hình, dùng vân tay, thẻ từ… đến điều khiển các thiết bị bằng giọng nói hay ngôi nhà tự điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm… theo thói quen của người sử dụng.
Ngôi nhà thông minh cho phép điều khiển nhiệt độ trong phòng, hệ thống đèn, rèm… Ảnh: Bkav. |
Theo Statista, Việt Nam đứng thứ 45 trong bảng xếp hạng nhà thông minh toàn cầu. Doanh thu từ thị trường này tại Việt Nam dự kiến đạt 44 triệu USD năm 2018. Khá khiêm tốn khi so sánh với Mỹ – thị trường smart home lớn nhất thế giới với doanh thu 20,5 tỷ USD, các con số về tăng trưởng của thị trường nhà thông minh tại Việt Nam cho thấy nhiều tín hiệu khả quan.
Doanh thu smart home năm 2018 trong nước tăng trưởng 73,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đại diện một công ty smart home cho biết, số lượng nhà có lắp đặt các thiết bị thông minh đơn lẻ tại Việt Nam hiện là 500.000, tăng 33,4 % so với 2017. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) kỳ vọng đạt 65,2%. Thị trường nhà thông minh trong nước dự đoán chạm mốc 330 triệu USD vào năm 2022.
“Căn nhà thông minh đến cuộc sống thông minh” sẽ là một trong những chủ đề được chia sẻ tại Hội thảo Smart Tech for Smart Living, nằm trong khuôn khổ của Chương trình bình chọn Sản phẩm Công nghệ Xuất sắc Tech Awards 2018. Ngoài ra, sự kiện còn có sự tham gia của nhiều diễn giả nổi tiếng trong các lĩnh vực công nghệ khác như Trí tuệ nhân tạo, Trợ lý robot, Xe tự hành, Xử lý hình ảnh…
Hội thảo Smart Tech for Smart Living mở bán vé đăng ký sớm (Early bird) với mức ưu đãi 199.000 đồng/vé, áp dụng từ hôm nay đến hết ngày 5/1/2019. Sau thời gian trên, giá vé tiêu chuẩn sẽ là 249.000 đồng/vé. 100 người đăng ký đầu tiên sẽ được tặng mã khuyến mại trị giá 100.000 đồng của Grab.