Ba tình huống ngoài ý muốn khi dùng smart home

Nhiều người thích trải nghiệm sớm các công nghệ như smart home, nhưng do sự mới mẻ, nó cũng có thể gây ra một vài rắc rối.

Không cần đầu tư cho cả một hệ sinh thái đắt đỏ để tạo nên một ngôi nhà thông minh, người dùng vẫn có thể tận hưởng lợi ích riêng lẻ của smart home như đèn bật tắt tự động, robot hút bụi, nồi cơm điều khiển từ xa, giàn phơi thông minh…

Các công nghệ smart home đã tiến hóa mạnh mẽ và trở nên gần gũi hơn trong 5 năm qua sau khi những bộ loa thông minh tích hợp trợ lý ảo Amazon Alexa và Google Assistant ra đời. Tuy nhiên, người dùng vẫn cần cân nhắc khi mua sản phẩm gia dụng thông minh để hạn chế những tình huống khó chịu.

Người dùng đang trải nghiệm nhiều thiết bị smart home riêng lẻ như camera an ninh, bật tắt đèn từ xa... Ảnh: Southshorelocksmiths.

Người dùng đang trải nghiệm nhiều thiết bị smart home riêng lẻ như camera an ninh, bật tắt đèn từ xa… Ảnh: Southshorelocksmiths.

Sản phẩm ngắn hạn

Chuyện sẽ diễn ra như sau: bạn bị cuốn hút bởi một thiết bị gia dụng thông minh. Sau một vài lần đắn đo, bạn quyết định bỏ ra vài trăm USD mua sản phẩm, thiết lập và sử dụng nó một cách đầy hài lòng. Một ngày kém đẹp trời, sản phẩm bị ngừng hỗ trợ, hoặc tệ hơn là nhà sản xuất đóng cửa. Bạn bị mắc kẹt với thiết bị cùng nỗi lo nếu máy hỏng, phần mềm lỗi hoặc chứa lỗ hổng bảo mật thì không biết được bảo hành ở đâu.

Đáng tiếc, tình huống này xảy ra mà bạn không được chuẩn bị trước. Nhiều nhà cung cấp giải pháp smart home hiện nay là công ty start-up mới thành lập, vốn có các ý tưởng sáng tạo nhưng không phải ai cũng có thể duy trì hoạt động kinh doanh ổn định và lâu dài.

Một ví dụ là Lighthouse, một trong những camera giám sát đầu tiên hỗ trợ công nghệ AI và nhận diện khuôn mặt. Hệ thống giá 299 USD này gửi thông báo tới người dùng mỗi khi nó chấp nhận cho ai đó vào nhà. Lighthouse đóng cửa sau chưa đầy một năm có mặt trên thị trường và người dùng chỉ biết tới “tin dữ” khi camera của họ bỗng ngừng hoạt động. May mắn là Lighthouse bồi thường cho người mua, nhưng không phải hãng nào cũng vậy.

Ngay cả những công ty lớn cũng có thể quyết định dừng hỗ trợ sản phẩm. Năm 2019, Roku, công ty chuyên về thiết bị phát trực tuyến, cho biết họ không còn hỗ trợ kỹ thuật cho mẫu Roku 1 và 2. Thiết bị không chạy được phiên bản mới của các ứng dụng quan trọng, nên người dùng chỉ còn cách nâng cấp lên model mới hơn.

Dịch vụ ‘nói một đằng làm một nẻo’

Tình huống này còn tệ hơn, bởi liên quan tới việc nhà sản xuất đánh lừa khách hàng.

Một câu chuyện được nhắc đến nhiều thời gian qua là Wink Labs. Công ty này chuyên về giải pháp kết nối thiết bị trong nhà và nổi danh vài năm gần đây nhờ cung cấp dịch vụ miễn phí. Wink Labs khẳng định hiện có tới hơn 4 triệu thiết bị kết nối tới mạng lưới của họ.

Ngày 20/5, công ty tuyên bố thu phí 4,99 USD mỗi tháng để người dùng có thể truy cập vào thiết bị của họ từ ứng dụng Wink thông qua điều khiển giọng nói hoặc giao diện Wink API.

Khách hàng Wink Labs nổi giận vì lo ngại mất các thiết lập và quy trình tự động mà họ đã cài đặt nếu không trả phí thuê bao. Thậm chí, công ty còn đang đối mặt với vụ kiện tập thể vì chính sách mới này. Nhiều người cho biết trên Twitter rằng vấn đề không phải họ tiếc tiền, mà vì công ty thông báo quá đột ngột. Wink vốn được biết đến với mô hình kinh doanh không thu phí. Thậm chí trên sản phẩm của họ cũng ghi rõ: “Không mất phí thuê bao hàng tháng”.

Rocco Ancona, chuyên gia công nghệ tại Thung lũng Silicon, nhận định mô hình của Wink không bền vững. Họ thành công vì bán các thiết bị phần cứng với giá rẻ, đồng thời hứa hẹn không thu tiền dịch vụ. Tuy nhiên, khi số thiết bị tăng lên, họ sẽ cần những khoản đầu tư khổng lồ cho cơ sở hạ tầng đám mây, bảo trì phần mềm cùng nhiều chi phí phát triển trong tương lai. Thế nhưng, thay vì đưa ra lộ trình phù hợp, họ lại bất ngờ thông báo về chính sách thuê bao, gây mất lòng tin mà họ đã tạo dựng những năm qua.

Vấn đề bảo mật

Nói tới bảo mật, một ví dụ dễ thấy nhất chính là hệ thống họp trực tuyến Zoom. Nhu cầu sử dụng Zoom tăng vọt từ tháng 3 khi Covid-19 bùng phát khắp thế giới và nhiều người phải làm việc, học tập từ xa. Tuy nhiên, nền tảng này tồn tại quá nhiều vấn đề về bảo mật, khiến hơn 15.000 video cuộc họp bị phát tán trên mạng. Giữa tháng 4, hơn 530.000 thông tin đăng nhập của người dùng Zoom gồm địa chỉ email, mật khẩu và ID phòng họp cũng bị rao trên Dark Web với giá “rẻ như cho”.

Bảo mật là một trong những rào cản của smart home. Ảnh: Scientific Mystery.

Bảo mật là một trong những rào cản của smart home. Ảnh: Scientific Mystery.

Ngoài ra, các chuyên gia bảo mật cũng thường xuyên vẽ ra viễn cảnh về nguy cơ bị tấn công qua những thiết bị gia dụng thông minh. Chẳng hạn, chuông cửa kết nối Internet có thể bị hack và gây phiền toái cho người dùng, hay hệ thống mạng tại gia bị khống chế thông qua một chiếc tủ lạnh… Nguy hiểm hơn, hacker có thể khai thác camera an ninh và biết được mọi thứ diễn ra trong nhà, rồi dùng thông tin đó cho mục đích xấu như ăn trộm, tống tiền, phát tán lên mạng…

Hiện nay, người dùng đã cởi mở hơn và sẵn sàng thử nghiệm các sản phẩm smart home. Tuy nhiên, điều quan trọng là các hãng cần tìm ra những giải pháp thực sự thông minh và mang lại lợi ích khiến người dùng sẵn sàng bỏ tiền mua kể cả khi những tình huống kể trên không bao giờ biến mất.

Châu An (theo New York Times)